1 Tuyển sinh đại học 2010: Nhiều thí sinh "rên" cả hai đề Toán, Sử Sat Jul 10, 2010 10:21 am
chipcoiga
Admin
Tuyển sinh đại học 2010: Nhiều thí sinh "rên" cả hai đề Toán, Sử
Đề thi Sử khối C năm nay được một số thầy cô đánh giá là đề thi hay nhưng khó với cả học sinh khá. Đề thi Toán khối D, các giáo viên cho rằng tương đối "dễ thở", đề Toán khối B còn "nhẹ" hơn đề toán khối D, tuy nhiên nhều thí sinh than không làm được bài...
Theo ghi nhận, không có nhiều gương mặt phấn khởi sau giờ thi môn Sử. Đề thi Sử lần này được đánh giá là một đề thi hay nhưng không dễ hoàn thành với học sinh trung bình khi có đến 2 trong 4 câu hỏi yêu cầu trình độ khá giỏi mới làm trọn. Đề thi này, theo các thầy cô bộ môn Sử, cũng không có cơ may cho những thí sinh chỉ học thuộc lòng. Muốn đạt điểm cao phải biết chọn lọc và phân tích sự kiện lịch sử.
Cô Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng Tổ Sử trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM cho rằng đề hay, đúng tính chất kỳ thi tuyển. Đề ra đúng trọng tâm chương trình, phân loại được học sinh khá giỏi. Những học sinh chỉ học thuộc lòng khó có điểm cao.
Câu 1 yêu cầu phải biết liên hệ nội dung hai bài trong sách giáo khoa. Phần hai câu này yêu cầu thí sinh phải biết suy nghĩ thêm mới trình bày sát yêu cầu của đề. Ở câu này, học sinh khá giỏi mới có thể làm tròn câu, học sinh trung bình chỉ có thể làm được phân nửa hoặc 2/3 yêu cầu.
Câu 3 là câu hay nhất nhưng rất khó. Phân loại trình độ thí sinh chính là câu này. Thí sinh phải biết chọn lọc và phân tích sự kiện trong cả giai đoạn lịch sử đề làm sáng tỏ vài trò của Bác Hồ với Cách mạng tháng Tám. Câu này thí sinh sẽ dễ mất điểm vì thiếu ý. Học sinh giỏi mới có thể làm tròn câu này. HS khá cũng rất khó hoàn thành.
Câu 2 là câu hỏi cơ bản nằm trong trọng tâm. Phần đề tự chọn, cả hai câu dành cho chương trình chuẩn và chương trình nâng cao đều không khó, nằm trong trọng tâm chương trình. Thí sinh sẽ làm được phần đề tự chọn.
Trong khi đó đề Toán khối B được đánh giá là dễ thở hơn so với đề khối A và cũng không khó hơn so với đề toán khối D các năm trước. Tuy vậy, theo thầy Trần Ngô, Tổ trưởng Tổ Toán trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM, đề cũng phân loại trình độ thí sinh, có phần riêng cho học sinh giỏi thể hiện mình. Theo thầy Ngô, đề này điểm sẽ khá cao, có nhiều bài thi điểm 8-9 nếu thí sinh giải kỹ, không mắc sai sót trong tính toán.
* Nhận xét toàn diện về đề thi Sử (khối C) diễn ra chiều 9-7, thầy giáo Lê Văn Dũng, giáo viên Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội nói: "Đây là đề thi vừa sức với đối tượng học sinh phổ thông và đáp ứng tốt yêu cầu phân loại thí sinh. Bốn câu đề Sử đúng với cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ điểm cho các câu hợp lý.
Ngoài câu hỏi về Lịch sử nước ngoài, phần lịch sử Việt Nam mỗi chương đều có một câu trong đề thi, để làm được, thí sinh phải nắm vững và toàn diện kiến thức cơ bản. Cả bốn câu hỏi, dù chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản nhưng cách hỏi vẫn đòi hỏi thí sinh phải có khả năng tổng hợp kiến thức từ những đơn vị kiến thức khác nhau.
Câu 3 của đề thi là câu có tính phân hóa mạnh nhất. Để đạt điểm, thí sinh phải có khả năng sàng lọc, chọn lựa kiến thức để làm sáng tỏ vấn đề mà đề thi đề cập đến. Tuy nhiên, tính phân hóa ở đây vẫn dựa trên nền kiến thức cơ bản chứ không nâng cao, quá phức tạp đối với thí sinh. Phần riêng của đề Sử nếu đọc không kỹ đề thí sinh sẽ dễ nhầm tưởng là một câu hỏi thuần túy yêu cầu tái hiện kiến thức (nêu hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả của chiến dịch, cuộc tiến công).
Nhưng cả câu 4a và 4b đều có một vế, yêu cầu thí sinh chỉ ra chiến dịch nào, cuộc tiến công nào, trên cơ sở dữ liệu đề cho. Nếu thí sinh không hiểu một cách bản chất, chỉ học vẹt thì sẽ khó có thể chỉ tên chiến dịch, cuộc tiến công mà đề muốn nói đến, và như vậy, thí sinh sẽ mất nhiều thời gian để làm câu này nhưng không có điểm nào khi nhận định sai chiến dịch, cuộc tiến công. Câu 4a, 4b là câu thí sinh dễ nhầm lần nhưng hoàn toàn không có tính đánh đố.
Còn theo giáo Liên Minh, giáo viên trường THPT Đinh Tiên Hoàng Hà Nội, đề thi Sử vẫn nặng về yêu cầu học sinh ghi nhớ sự kiện, con số. Và đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều thí sinh sợ Sử và bài thi khó được điểm cao. Nhưng nhìn chung đây là đề thi không khó so với học sinh phổ thông.
Cô Minh phán đoán: sẽ không có “mưa điểm 0” ở đề thi sử này, vì đề thi đề câp đến kiến thức rất cơ bản, nhưng điểm trung bình sẽ là chủ yếu. Thầy Lê Văn Dũng thì cho rằng nếu thí sinh ôn tập bám sát kiến thức cơ bản và đọc kỹ đề trước khi làm thì hoàn toàn có thể cầm chắc điểm 7-8. Nhưng với thực trạng học Sử có nhiều bất ổn như hiện nay thì chỉ biết hy vọng có nhiều điểm thi trên trung bình.
TP.HCM: nhiều thí sinh không tự tin về bài thi
Tại cổng trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM), nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với gương mặt lo lắng. Đa số đều cho biết không làm được bài. Thí sinh Nguyễn Văn Hinh (Long An) cho biết: "Em chỉ làm được 2 câu”.
Trong khi đó, thí sinh Trần Thị Duyên chạy ra khỏi hội đồng thi ĐH Kinh tế - Luật với những giọt nước mắt trên gương mặt. Duyên cho biết: “Em làm được 30%, còn lại thì tính sai hết. Đợt 1 em làm không được tốt, đợt 2 này chắc rớt luôn quá”.
17g40, dưới cơn mưa lớn, hàng trăm phụ huynh đã tràn hết lên cổng trường, trên nhiều gương mặt phụ huynh đều hiển hiện rõ nỗi lo âu. Con thí sinh Lưu Thị Tuyết Ly (Lâm Đồng) dự thi vào Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết: "Đề thi không quá khó so với dự đoán của em, nhưng sáng nay em bị áp lực tâm lý nên làm bài không tốt lắm. Chiều nay thì em hơi sa đà về mặt thời gian nên chưa kịp làm câu cuối".
Trong khi đó, tại hội đồng thi Trường ĐH An Ninh Nhân Dân, nhiều thí sinh đánh giá đề Sử chiều nay yêu cầu phải có kiến thức tổng hợp nên khó lấy điểm. Thí sinh Nguyễn Thanh Tài (Gia Lai) cho biết: “Em chỉ làm được khoảng 70% đề, còn lại là tự “phăng””. Còn thí sinh Phan Văn Hoàng (Ninh Thuận) nói: “Mong điểm 5 không biết có được không”.
Hà Nội: ít thí sinh bỏ thi
Do môn Sinh được cho là "dễ thở" và ở hình thức thi trắc nghiệm nên đến môn thi thứ hai, các hội đồng thi khối B ở Hà Nội có rất ít thí sinh bỏ thi. Ông Đoàn Văn Vệ, trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho hay tại các điểm thi của trường, đến môn thi thứ hai chỉ lác đác có 1-2 thí sinh bỏ thi. Tương tự, ở các hội đồng thi khối C và D, rất ít thí sinh bỏ thi.
Để tránh tình trạng hàng loạt thí sinh “quên” điện thoại khi vào phòng thi, nhiều trường đại học khu vực Hà Nội đã đề nghị giám thị đặc biệt chú trọng khâu nhắc nhở thí sinh trước khi buổi thi bắt đầu. Thầy Hoàng Bình Cúc, Giám đốc học viện Báo chí tuyên truyền cho biết: trường bố trí riêng một phòng ở cổng điểm thi để thí sinh gửi đồ đạc tư trang. Tại các phòng thi, giám thị bắt buộc phải dành vài phút để nhắc nhở nội quy, đặc biệt nhắc thí sinh không để điện thoại trong người, trong khu vực thi.
Tương tự ở trường ĐH Văn hóa, thầy Nguyễn Văn Cần, Phó hiệu trưởng nhà trường, cũng cho biết trường đã tổ chức việc trông coi đồ dùng của thí sinh cẩn thận để thí sinh yên tâm, không “liều” mang điện thoại vào phòng thi. Tuy nhiên tại trường này vẫn có hai thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động. Tại trường ĐH Công đoàn cũng có hai thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có một phòng thi chỉ có hai thí sinh bị khiếm thị, mỗi thí sinh được một cán bộ đọc đề để chuyển sang chữ nổi.
Quảng Nam: dùng "phao", hai thí sinh bị đình chỉ thi
Tại Quảng Nam, sau khoảng 20 phút làm bài thi môn Sử, các giám thị tại phòng thi 35 hội đồng thi trường Đại học Quảng Nam phát hiện một trường hợp sử dụng tài liệu. Ngay lập tức thí sinh này bị lập biên bản và đình chỉ thi. Như vậy, ngày thi đầu tiên đợt 2 đã có hai thí sinh bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu trong khi làm bài.
Kết thúc buổi thi chiều nay, các thí sinh dự thi vào Đại học Quảng Nam mang hai tâm trạng khác nhau. Theo nhận xét của nhiều thí sinh khối B, đề thi môn Toán vừa khó vừa dài; trong khi đó thí sinh khối C cho biết đề thi môn Sử nhẹ nhàng hơn môn Văn buổi sáng.
Nha Trang: nhiều phụ huynh tẩy chay "đáp án dạo"
Nhiều phụ huynh không mặn mà với đáp án dạo - Ảnh: Châu Tường |
Đầu giờ chiều ngày 9-7, lực lượng bán đáp án, gợi ý bài giải cũng hoạt động khá sôi nổi tại các hội đồng thi ở Nha Trang. Đáp án môn Sinh khối B và môn Văn khối D được chào bán với giá 3.000-5.000 đồng/xấp. Đáp án môn Sinh không có nguồn gốc rõ ràng chỉ là một bộ đề của Bộ GD-ĐT kèm thêm một tờ đáp án nhưng không ghi rõ do ai giải. Trong khi đó, đáp án môn Văn có dòng chữ 24h.com. Tuy vậy, số lượng phụ huynh mua đáp án rất ít.
Trong buổi thi chiều nay, trường Đại học Nha Trang đã đình chỉ một thí sinh vì mang điện thoại di động vào phòng thi. Sáng cùng ngày, một cán bộ coi thi của trường bị ốm đột xuất, trường đã cử cán bộ coi thi dự trữ thay thế.
Tây nguyên: 2 thí sinh bị cảnh cáo
Hội đồng tuyển sinh ĐH Tây Nguyên cho biết trong chiều 9-7 có 11.793 thí sinh thuộc 17 điểm thi dự thi vào ĐH Tây Nguyên ở các khối B,C và D. Có 2 thí sinh tại hội đồng thi trường tiểu học Tô Hiệu bị cảnh cáo vì vi phạm quy chế thi, một thí sinh tại điểm thi trường ĐH Tây Nguyên bị ngất xỉu và phải đưa đi cấp cứu, sau đó thí sinh này đã tiếp tục trở lại và hoàn thành bài thi của mình.
Tình trạng kẹt xe gây tắc nghẽn hàng giờ đồng hồ tại điểm thi trường ĐH Tây Nguyên - Ảnh: T.B.Dũng |
Chiều 9-7, tại nhiều điểm thi tập trung đông thí sinh như ĐH Tây Nguyên, CĐ nghề thanh niên dân tộc, trường THCS Chu Văn An… đã xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Cần Thơ: thí sinh than đề Toán khó
Tại cụm thi Cần Thơ, nhiều thí sinh than đề thi môn Toán khối B tương đối khó. Nhiều thí sinh cho biết chỉ làm được khoảng 4 - 5 câu trong 10 câu của đề thi.
Tại Hội đồng thi THPT Châu Văn Liêm, mới 16g20, nhiều thí sinh đã bước ra khỏi phòng, lủi thủi ra về với vẻ mặt khá thất vọng. Một thí sinh quê Hậu Giang than: “Đề Toán khối B quá khó, em chỉ làm được 3 câu. Các câu còn lại suy nghĩa mãi không ra cách làm nên quyết định ra khỏi phòng thi sớm”.
Ở khối C, nhiều thí sinh sau khi làm xong bài thi môn Sử nhận định đề Sử năm nay khá dài. Tuy nhiên, các câu hỏi trong đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 nên thí sinh nắm vững kiến thức sẽ làm bài đạt điểm trên trung bình.
Kết thúc buổi thi thứ 2 tại cụm thi Cần Thơ có 35.065 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 79,1%, vắng 9.274 thí sinh. Một trường hợp thí sinh thi tại hội đồng Trường CĐ Cần Thơ mang tài liệu vào phòng thi bị đình chỉ thi.
Nhiều thí sinh tại cụm thi Cần Thơ ra về sau khi kết thúc buổi thi môn Toán khối B với vẻ mặt khá căng thẳng - Ảnh: Thanh Xuân |
Cụm thi Quy Nhơn: thêm 2 thí sinh bị đình chỉ
Trong buổi thi chiều 9-7, tại các điểm thi của cụm thi liên trường Quy Nhơn có 31.433 thí sinh dự thi môn thứ 2, đạt tỷ lệ 83,62% so với số đăng ký, vắng 101 thí sinh so với buổi thi môn đầu tiên.
Tổng hợp sơ bộ của Hội đồng coi thi liên trường cụm thi Quy Nhơn, trong chiều ngày 9-7 đã có thêm 2 thí sinh bị đình chỉ thi do mang tài liệu và điện thoại vào phòng thi. Như vậy trong ngày thi đầu tiên, tại cụm thi liên trường Quy Nhơn đã có 4 thí sinh bị đình chỉ thi và 1 thí sinh khác bị kỷ luật cảnh cáo do hết giờ thi nhưng vẫn tiếp tục làm bài.