1 Những điểm đáng chú ý về thi tốt nghiệp THPT 2011 Mon May 09, 2011 5:10 pm
congchung1993
Trung học phổng thông
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2001 sẽ có khoảng 50% điểm số cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Các môn thi chính thức sẽ được thông báo cụ thể chậm nhất vào cuối tháng 3/2011. Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục duy trì hình thức thi theo cụm, chấm đổi chéo bài thi tự luận.
Đó là các thông tin đáng chú ý rất cần thiết đối với các em học sinh lớp 12 trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011. Năm nay, các em tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT phải thi 6 môn, trong đó có 3 môn thi bắt buộc là Văn, Toán, Ngoại ngữ; 3 môn còn lại Bộ GD&ĐT sẽ công bố chậm nhất vào ngày 31/3/2011.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) sẽ không tiến hành biên soạn và phát hành bộ tài liệu tham khảo mang tên Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH, CĐ của từng môn như những năm trước. Do đó, các thí sinh sẽ ôn luyện theo nội dung ôn tập của các trường và một kinh nghiệp quý đã được phổ biến nhiều năm là các em nên bám sát nội dung bài học trong sách giáo khoa.
Nội dung đề thi trong chương trình lớp 12
Về cơ bản, Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông không có gì thay đổi so với năm 2010. Các môn Toán, Văn, Lịch sử, Địa lý vẫn thi theo hình thức tự luận. Các môn thi trắc nghiệm là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật) sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm.
Các môn Văn, Toán có thời gian làm bài là 120 phút; Sử, Địa là 90 phút; các môn Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm với thời gian 60 phút.
Quy định về đề thi, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh tới việc kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của người học và trong đề thi sẽ có khoảng 50% điểm số cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức.
Nội dung đề thi sẽ dựa theo yêu cầu của chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Đề thi các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa đều có hai phần: phần chung từ câu 1-32 (ra đề theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao); phần riêng (theo chương trình chuẩn (từ câu 33 – 40)hoặc chương trình nâng cao (từ câu 41 – 48)) thí sinh được phép lựa chọn một trong hai phần riêng để làm bài.
Đề thi môn Ngoại ngữ chỉ có một phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Ở kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, môn Ngoại ngữ sẽ có 50 câu hỏi.
Bộ GD&ĐT nêu rõ: thí sinh chỉ được làm một trong hai phần tự chọn (nếu có) trong đề thi, nếu làm bài cả hai phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm cả hai phần tự chọn. Về điều này, chuyên gia của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) đặc biệt lưu ý: dù làm hết hay chưa, làm đúng hay không, bài làm cả hai phần của phần riêng đều sẽ không được chấm, chỉ được chấm phần đề chung. Bài làm không được chấm phần riêng thì không đạt được điểm cao.
Chấm chéo bài thi tự luận
Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2011 vẫn sẽ duy trì hình thức thi theo cụm, đổi chấm chéo bài thi tự luận giống như những năm trước để kỳ thi diễn ra an toàn, công bằng, kỷ luật.
Các Sở GD&ĐT sắp xếp các trường thành cụm trường để tổ chức thi. Mỗi cụm trường gồm ít nhất 3 trường THPT hoặc 3 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX); có thể thành lập cụm trường hỗn hợp gồm ít nhất 2 trường THPT và 2 trung tâm GDTX.
Đối với các địa phương điều kiện đi lại khó khăn các thí sinh không nhất thiết phải thi theo cụm trường. Khi các trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn thì Sở GD&ĐT có báo cáo giải trình với Bộ GD&ĐT bằng văn bản để giải quyết vấn đề này.
Giám thị phòng thi được phân công theo nguyên tắc: hai giám thị trong một phòng thi phải là giáo viên dạy khác trường; giám thị không coi thi quá một môn đối với mỗi phòng thi; hai giám thị không cùng coi thi quá một lần. Về giám thị ngoài phòng thi, Bộ GD&ĐT quy định phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát thí sinh và giám thị trong phòng thi thực hiện quy chế thi tại khu vực được chủ tịch hội đồng phân công; thực hiện một số công việc cần thiết phục vụ nhiệm vụ coi thi do chủ tịch hội đồng phân công.